Skip to main content

VẤN ĐỀ VỀ THẨM QUYỀN BỔ NHIỆM GIÁM ĐỐC/TGĐ TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty cổ phần; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.

Giám đốc/Tổng giám đốc là người thuộc Hội đồng quản trị (được Hội đồng quản trị bổ nhiệm) hoặc được thuê theo Hợp đồng lao động.

Lưu ý: Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 05 năm; có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

1. Tiêu chuẩn và điều kiện của Giám đốc / Tổng giám đốc trong công ty cổ phần

Đối với công ty đại chúng, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và công ty con của công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:

- Không thuộc đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam;

- Không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ;

- Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty.

2. Quy trình bổ nhiệm Giám đốc/Tổng giám đốc đối với công ty cổ phần

Giám đốc/Tổng giám đốc có thể là thành viên Hội đồng quản trị (được Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ) hoặc được thuê theo hợp đồng lao động.

Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc / Tổng giám đốc công ty, trừ trường hợp công ty đại chúng hoặc công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết.

Hội đồng quản trị có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký kết hợp đồng Giám đốc / Tổng giám đốc. Việc thông qua quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng với Giám đốc / Tổng giám đốc cần phải thực hiện bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng quản trị, lấy ý kiến bằng hình thức văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định.

Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty;

Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Do đó, sau khi thực hiện bổ nhiệm / ký hợp đồng với Giám đốc / Tổng giám đốc, công ty cần thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp / thủ tục đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi.


3. Xét vấn đề về thẩm quyền bổ nhiệm giám đốc/tổng giám đốc

Một vấn đề tưởng như quá rõ ràng, hội đồng quản trị (HĐQT) có thẩm quyền bổ nhiệm GĐ/TGĐ. Vì pháp luật về doanh nghiệp quy định HĐQT có quyền lập ra giám đốc. Vậy thì, hiển nhiên HĐQT cũng sẽ có quyền bãi nhiệm, thay thế giám đốc.

Tuy nhiên, trên thực tế, tranh chấp có thể phát sinh liên quan đến vấn đề bổ nhiệm giám đốc mới. Điều này liên quan đến các quy định về Điều lệ của công ty.

Điều lệ của công ty được coi như là một bản hợp đồng của các cổ đông. Đã gọi là hợp đồng thì các bên tùy ý thỏa thuận. Dẫu vậy, giới hạn của sự tùy ý là phải trong khuôn khổ của pháp luật. Để thuận tiện cho các nhà đầu tư khi thành lập công ty, pháp luật thể hiện những yêu cầu mà các nhà đầu tư cần tuân thủ khi xây dựng điều lệ. Trong pháp luật doanh nghiệp của Việt nam, nguyên tắc này được thể hiện rõ ràng trong điều 22. Theo đó, 15 nội dung mà các bản điều lệ bắt buộc phải có. Ngoài ra có thể qui định thêm, miễn là không trái với các nguyên tắc của luật doanh nghiệp.

Một trong các nội dung bắt buộc phải ghi nhận trong điều lệ công ty là người đại diện theo pháp luật. Bản chất của việc ghi nhận này có hai mục đích:

(1). Thuận tiện cho các bên trong quá trình giao dịch với công ty

(2). Ràng buộc trách nhiệm của công ty bởi các hành vi của người đại diện

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), bầu ra HĐQT, thay mình quản lí công ty. Đến lượt mình, HĐQT bổ nhiệm giám đốc để điều hành hoạt động hàng ngày của công ty. Về mặt lí thuyết, HĐQT do ĐHĐCĐ lập ra, nên HĐQT hoạt động vì lợi ích của các cổ đông. Nhưng trên thực tế, ĐHĐCĐ bị phân hóa bởi nhiều nhóm cổ đông với nhiều lợi ích khác nhau. Cũng vì thế, hệ quả là HĐQT cũng phân hóa theo các nhóm lợi ích của cổ đông đã bầu ra mình.

Trong công ty cổ phần, người đại diện theo pháp luật có thể là Chủ tịch hoặc giám đốc. Với chức năng là người điều hành hoạt động hàng ngày của công ty, khuynh hướng thường giao vai trò người đại diện cho giám đốc. Cũng vì vậy, Điều 116 Luật Doanh nghiệp quy định: “Trường hợp Điều lệ công ty không quy định Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty”. Nói như thế không có nghĩa là nếu điều lệ không có quy định Chủ tịch là người đại diện thì suy đoán giám đốc là người đại diện. Về mặt pháp lý cũng như thực tiễn về đăng kí doanh nghiệp không chấp nhận phương án suy đóan. Nhưng điều đó nói lên một khuynh hướng khá phổ biến, thường giám đốc là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Rắc rối cũng từ đây mà ra. Theo quy định của Điều 22, điều lệ công ty phải ghi nhận vấn đề người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Vấn đề là điều lệ công ty ghi chức danh hay ghi tên người? Phương án được cơ quan đăng kí kinh doanh chấp nhận đó là cả hai. Có nghĩa là ở mục đại diện theo pháp luật phải xác định rõ ai là người đại diện theo pháp luật và người ấy giữ chức vụ gì (chủ tịch hay giám đốc).

Trở lại với việc xét về thẩm quyền, HĐQT miễn nhiệm giám đốc để bổ nhiệm giám đốc mới. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của HĐQT, nhưng vì giám đốc là người đại diện theo pháp luật, được ghi nhận trong điều lệ, do vậy thay đổi giám đốc khác cũng đồng nghĩa là phải sửa đổi điều lệ của công ty. Nhưng khi muốn sửa đổi điều lệ, vấn đề không còn thuộc thẩm quyền của HĐQT nữa mà đã thuộc quyền của ĐHĐCĐ.

Đến đây, nếu không có sự đồng ý của đa số cổ đông nắm giữ cổ phần phổ thông thì không sửa đổi điều lệ được (theo Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2015, việc sửa đổi điều lệ công ty phải được số cổ đông đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận, nếu Điều lệ công ty không quy định một tỉ lệ khác).

Như vậy, mặc dù việc bổ nhiệm giám đốc mới được HĐQT tiến hành theo đúng quy định của pháp luật tới đây không thể thực hiện được vì lí do thủ tục.



Chat Zalo: 09.781.781.85

Copyright © 2019 OPIC LAW All Right Reserved